Home / Ngữ văn / Văn mẫu lớp 12 / Phân tích hình tượng tiếng sáo để thấy mối quan hệ giữa hình tượng tiếng sáo và nhân vật Mị

Phân tích hình tượng tiếng sáo để thấy mối quan hệ giữa hình tượng tiếng sáo và nhân vật Mị

Chi tiết trong tác phẩm được ví như người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ, là lát cắt trên thân cây mà qua đó thấy được trăm năm cả đời thảo mộc. Tuy là những yếu tố nhỏ trong tác phẩm nhưng nó lại mang sức nặng về cả nội dung và cảm xúc. Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng hình tượng tiếng sáo. Trong đêm tình mùa xuân, lúc đầu, khi nghe tiếng sáo Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi. Lúc bị trói, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi những đám chơi và “Mị vùng bước đi”.

Lật giở về quãng đời phía trước của nhân vật Mị, ta thấy cô là một thiếu nữ Tây Bắc xinh đẹp, tài hoa, có lòng yêu sống và khát khao tình yêu, hạnh phúc. Thế nhưng, số phận đưa đẩy khiến cô phải về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Cũng kể từ đó, cuộc đời Mị dường như chỉ gắn với khổ đau bất hạnh khi cô bị biến thành một thứ công cụ lao động, chai lì mọi cảm xúc và tinh thần phản kháng. Sự hồi sinh của Mị chỉ thực sự bắt đầu khi mùa xuân đến với Hồng Ngài. Không gian rực rỡ màu sắc, rộn ràng âm thanh và tiếng sáo, tiếng khèn đã đem lại sinh khí mới cho vạn vật, đồng thời gọi dậy những hạt mầm cảm xúc trong tâm hồn nhân vật. Chính tiếng sáo- nét đặc trưng duyên dáng của mùa xuân Tây Bắc sẽ là tác nhân quan trọng để kéo Mị trở lại với cuộc đời. Tiếng sáo như tiếng gọi của mùa xuân, đánh thức trong lòng Mị những cảm xúc nguyên sơ, nhân bản nhất. Bằng cách nhẩm thầm theo bài hát của người đang thổi, dường như Mị đã thoát ra khỏi tình trạng sống phi thời gian bấy lâu nay. Và cũng từ chi tiết rất nhỏ ấy, Tô Hoài đã tìm sâu vào tận cùng của ý thức và trong đáy sâu tiềm thức để nhóm lên ngọn lửa đầu tiên của sức sống tâm hồn con người. Mị dường như đang sống lại với quá khứ để trở về với thời thanh xuân tươi đẹp, khi “Mị thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Nó là những tín hiệu đầu tiên, khởi đầu cho sức sống đang dần dần hồi sinh trong tâm hồn nhân vật.

Xem thêm:  Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay- văn lớp 12

Cũng chính tiếng sáo đưa Mị vượt thoát khỏi hiện tại, khỏi những vòng dây trói oan nghiệt như sợi dây của định mệnh đang giam chặt lấy cuộc đời Mị. Từ một tác nhân của ngoại cảnh, tiếng sáo đã đi sâu vào tâm hồn Mị: “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, đám chơi. Mị vùng bước đi”. Mị nương theo tiếng sáo để quên đi nỗi đau thực tại và hoàn toàn tự do trong tâm tưởng. Sợi dây trói có thể giam giữ được thể xác nhưng sức sống, tâm hồn Mị thì hoàn toàn tự do. Nó dẫn dắt Mị có những hành động nổi loạn để tìm đến tự do, hạnh phúc. Và đó chính là tiền đề làm bật lên sức phản kháng của nhân vật ở những chặng sau.

Xuyên suốt tác phẩm, tiếng sáo không chỉ thể hiện sự am hiểu sâu sắc của tác giả về văn hóa, phong tục mà còn như sợi dây theo suốt hành trình tâm lí của nhân vật. Nó chính là chất xúc tác làm khơi dậy sức sống trong tâm hồn Mị, thổi bùng lên niềm khao khát sống, khao khát yêu đương. Qua đó, Tô Hoài cũng chứng tỏ khả năng bậc thầy trong việc miêu tả tâm lí nhân vật một cách tinh tế, biện chứng.

Tiếng sao du dương dường như vẫn quẩn quanh đâu đây trong tâm trí người đọc. Nó gọi về một miền không gian xa xôi nhưng lại thật ấm áp, gần gũi và vời vợi chất thơ.

Xem thêm:  Bình luận về vấn đề giữ gìn vệ sinh - Văn mẫu lớp 12

Check Also

top 10 anh hot girl hoc sinh cap 2 viet 12 310x165 - Phân tích nhân vật Việt và chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật trong “những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Đình Thi”

Phân tích nhân vật Việt và chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật trong “những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Đình Thi”

Đề bài: em hãy phân tích nhân vật Việt và chỉ ra những đặc sắc …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *