Bi kịch của con người luôn là những vấn đề mà nhiều nhà văn hiện thực quan tâm và muốn tìm hiểu triệt để. Con người có thể có rất nhiều những bi kịch khác nhau, nhưng có lẽ, bi kịch lớn nhất của đời người đó là bi kịch tha hóa. Hồn Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ đã phải gánh chịu bi kịch này. Nhận ra bi kịch của hồn Trương Ba, đôi khi, người đọc không thể không liên tưởng đến bi kịch tha hóa của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian xưa nhưng được phát triển và thêm thắt tình tiết để truyền tải những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trương Ba là một người làm vườn tốt bụng, đặc biệt rất cao cờ. Do tắc trách, Nam Tào gạch nhầm tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Theo gợi ý của Đế Thích, để sửa sai, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ở làng bên vừa mới chết để được sống lại.
Kịch của Lưu Quang Vũ được bắt đầu từ lúc truyện dân gian kết thúc. Không giống như truyện dân gian, hồn Trương Ba sau khi nhập vào xác hàng thịt có thể sống tiếp hạnh phúc, trong kịch Lưu Quang Vũ, hồn Trương Ba rơi vào liên tiếp các bi kịch mà có thể gói gọn trong một bi kịch duy nhất đó là bi kịch tha hóa. Sau khi được nhập vào xác hàng thịt, tính nết Trương Ba thay đổi, trở nên phũ phàng, thô lỗ, bị mọi người xa lánh. Bi kịch của Trương Ba được lần lượt thể hiện qua những lần đối thoại thể hiện những bi kịch khác nhau. Hồn Trương Ba rơi vào bi kịch tiến thoái lưỡng nan, không được là chính mình nhưng không có cách nào thoát khỏi sự thao túng của xác hàng thịt, sau đó lại rơi vào bi kịch bị chính những người thân trong gia đình ruồng bỏ bởi họ không còn nhận ra người chồng, người cha, người ông thiện lương của mình ngày nào,… Cuối cùng Trương Ba chọn cái chết, không nhập vào xác ai nữa. Đây là cách ông thấy mình được sống toàn vẹn bên cạnh những người thân yêu. Rõ ràng hồn Trương Ba đã từ hình ảnh thanh tao mà trở nên méo mó, xấu xí.
Đọc đến đây, ta liên tưởng đến sự tha hóa của Chí Phèo. Chí Phèo lúc đầu cũng là một anh chàng lương thiện, hiền lành, nhưng vì sự ghen tức vô lí của Bá Kiến, đẩy Chí Phèo vào tù, ra tù anh mới trở nên là một kẻ máu lạnh, vô tình, chuyên đi rạch mặt ăn vạ. Cũng giống như hồn Trương Ba, về bản chất không xấu xa nhưng lại thay đổi theo chiều hướng tiêu cực vì một biến cố trong cuộc đời, gây ra bởi những kẻ khác.
Có lẽ không sai khi nói rằng bi kịch lớn nhất của đời người đó là bi kịch tha hóa. Bởi khi con người biến chất, thay đổi theo chiều hướng tích cực sẽ trở thành xấu xí, méo mó trong mắt tất cả mọi người và mãi không còn có thể trở về là chính mình. Trương Ba đã hiểu điều đó và chấp nhận sự trả giá đắt để được trở về là chính mình. Chí Phèo cũng không có còn con đường nào khác để được sống lương thiện ngoại trừ cái chết. Bi kịch tha hóa đều đẩy hai con người vốn thiện lương phải trả giá bằng tính mạng. Tuy khác nhau về số phận nhưng hai nhân vật có chung một kết cục. Suy cho cùng, kết cục của bi kịch tha hóa đối với mỗi nhà văn đều không có sự đối nghịch.
Hồn Trương Ba và Chí Phèo đều là những nạn nhân của bi kịch tha hóa, đều là những nhân vật gây ấn tượng sâu sắc cho độc giả nhiều thế hệ.