Cảm nhận của em về truyện cổ tích Tấm Cám
Bài làm
Truyện cổ tích là một trong những chiếc nôi tinh thần quen thuộc nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của mỗi một con người. Đó là cánh cửa mở ra vô vàn điều kì diệu và lí thú, thể hiện những bài học nhân sinh sâu sắc. Nằm trong kho tàng cổ tích phong phú, đa dạng, truyện “Tấm Cám” đã thể hiện số phận bất hạnh của nhân vật Tấm cùng sự độc ác, tàn nhẫn của mẹ con Cám để từ đó thể hiện ý niệm của nhân dân ta về sự chiến thắng của những điều tốt đẹp trước cái xấu, cái ác.
Truyện “Tấm Cám” đã thể hiện thân phận bất hạnh cùng con đường đi đến hạnh phúc của cô gái mồ côi- một kiểu nhân vật quen thuộc trong thế giới cổ tích thần kì. Nhân vật của truyện cổ tích thần kì khá phong phú và đa dạng nhưng có thể phân chia thành những kiểu nhất định. Nhân vật chính thường là người, và thường là những con người nhỏ bé- những nạn nhân đáng thương của xã hội.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Tấm và nhân vật “dì ghẻ” và Cám- em gái cùng cha khác mẹ. Tấm là cô gái hiền lành, ngoan ngoãn, còn mẹ con Cám là kẻ độc ác, xấu xa. Trong tác phẩm, Tấm xuất hiện với số phận bất hạnh: mẹ Tấm mất sớm, sau đó người bố cũng qua đời. Những đứa trẻ mồ côi vốn phải trải qua rất nhiều đau khổ. Ông cha ta đã khái quát nỗi đau này thông qua câu tục ngữ: “Cha chết ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá đầu chợ”. Không những vậy, Tấm không ngừng bị tổn thương trong sự ghẻ lạnh, hắt hủi của mẹ con Cám. Khi Tấm- Cám thi tài bắt tép, tranh cái yếm đào thì Tấm bị Cám lừa trút hết giỏ tép, khi Tấm nuôi dưỡng cá bông như một người bạn thì mẹ con Cám giết cá bống. Trong khi mẹ con Cám xúng xính quần là áo lượt đi dự hội làng thì Tấm phải nhặt thóc và gạo trộn lẫn. Đỉnh điểm là khi Tấm trở thành hoàng hậu, những tưởng sẽ thoát khỏi bàn tay độc ác của mẹ con Cám thì cuối cùng vẫn bị mẹ con Cám lập mưu giết hại và hóa thân bốn lần đều bị mẹ con Cám hãm hại. Nhưng cuối cùng, mẹ con Cám cũng bị Tấm trừng phạt một cách thích đáng.
Truyện cổ tích “Tấm Cám” thể hiện quá trình đấu tranh giành và giữ hạnh phúc của cô gái mồ côi. Mặc dù đã trở thành hoàng hậu những Tấm vẫn bị mẹ con Cám hãm hại. Nhưng cô gái trước đây vốn chỉ biết ngồi than khóc khi gặp khó khăn và nhờ cậy vào sự giúp đỡ của ông Bụt thì giờ đây, sau khi chết, cô không hề trông mong vào ai mà tự mình giành lại hạnh phúc qua việc hóa thân nhiều lần. Mặc dù cô liên tiếp bị mẹ con Cám giết hại nhưng vẫn khẳng định sức sống mạnh mẽ của bản thân, công khai vạch trần kẻ đã hãm hại mình, không còn yếu đuối cam chịu. Sự hóa thân thành nhiều chặng liên tiếp của Tấm tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Sau mỗi lần hóa thân, Tấm lại trở nên mạnh mẽ hơn và kiên quyết chống lại những âm mưu và sự độc ác của mẹ con dì ghẻ. Và cuối cùng, cô đã giành lại được hạnh phúc của chính bản thân mình và từ đó có hành động dứt khoát trừng trị cái ác ở cuối truyện.
Truyện cổ tích “Tấm Cám” còn phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện, những điều tốt đẹp trước cái xấu, cái ác. Từ chủ đề mơ ước đổi đời của những cô gái mới lớn, truyện đã tăng thêm chủ đề đấu tranh xã hội, đấu tranh thiện- ác. Xuyên suốt câu chuyện, chúng ta có thể thấy được sự phân chia giới tuyến giữa các nhân vật: Tấm đại diện cho kiểu nhân vật chính diện với những nét chính trong phẩm chất như thật thà tốt bụng, chăm chỉ làm lụng, còn mẹ con Cám là đại diện cho kiểu nhân vật phản diện với sự lười biếng, gian xảo. Quá trình đấu tranh đó diễn ra vô cùng quyết liệt bởi các nhân vật đại diện cho những mặt khác nhau của đạo đức, phẩm chất con người, và cuộc chiến chỉ dừng lại khi một phe bị tiêu diệt khi Tấm đích thân trừng phạt mẹ con Cám, thể hiện ước mơ của nhân dân ta về sự chiến thắng của cái thiện trước cái xấu, cái ác.
Truyện cổ tích “Tấm Cám” còn phản ánh những xung đột tồn tại trong gia đình và xã hội, thậm chí mang tính giai cấp. Trước hết, đó là mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ- con chồng cùng xung đột con chung- con riêng xuất phát từ những yếu tố về quyền lợi vật chất. Nhưng sâu xa hơn, đằng sau mỗi lần Tấm ôm mặt khóc nức nở bởi sự chèn ép của mẹ con Cám chính là mâu thuẫn về giai cấp giữa một bên là người bị áp bức bóc lột và kẻ áp bức bóc lột. Sau đó, mâu thuẫn này được đẩy lên mâu thuẫn xã hội bởi sau khi Tấm trở thành hoàng hậu nhưng vẫn bị mẹ con Cám hãm hại.
Như vậy, với cốt truyện li kì, hấp dẫn cùng những chi tiết tưởng tượng kì ảo, câu chuyện Tấm Cám đã thể hiện những mâu thuẫn cơ bản trong gia đình và xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Đồng thời thể hiện ước mơ của nhân dân ta về cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, tốt đẹp chỉ có được khi cái xấu, cái ác bị tiêu diệt.